Rút tiền thẻ tín dụng là gì? Có nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng?

Thẻ tín dụng (Credit Card) là một hình thức cấp tín dụng của ngân hàng, cho phép chủ thẻ “giao dịch trước, trả tiền sau” trong hạn mức cho phép. Song song việc sử dụng thẻ để mua sắm hay thanh toán, khách hàng còn có thể rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.

Mặc dù ngân hàng cung cấp dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng nhưng họ lại không khuyến khích khách hàng sử dụng. Tại sao dịch vụ này lại bị hạn chế? Chúng ta có nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hay không? Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ chủ đề rút tiền thẻ tín dụng này.

Rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng là gì?

Rút tiền thẻ tín dụng là việc sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt ở các máy giao dịch tự động (ATM). Không giống như khoản thanh toán khi cà thẻ, khoản tiền rút ra từ thẻ tín dụng được xem là khoản vay ngân hàng, và bị tính lãi ngay từ ngày rút (không được áp dụng mức miễn lãi tối đa 45 ngày).

Cần lưu ý, hình thức rút tiền thẻ tín dụng bằng cách “cà thẻ nhưng không mua hàng” tại các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS, mPOS) hay qua các bên trung gian là vi phạm pháp luật.

Có nên rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng hay không? Ưu nhược điểm ra sao?

Theo quy định của ngân hàng, cũng như theo thỏa thuận của ngân hàng và chủ thẻ, khách hàng có thể sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại ATM.

Tuy nhiên, khách hàng cần hết sức thận trọng cân nhắc những ưu điểm, nhược điểm trước khi sử dụng dịch vụ rút tiền mặt thẻ tín dụng này.

Ưu điểm:

  • Thời gian vay tiền nhanh chóng. Khách hàng đã được ngân hàng cấp hạn mức tín dụng từ lúc mở thẻ. Do đó, khi cần sử dụng khoản tiền vay từ hạn mức này, khách hàng không cần làm thủ tục, đợi duyệt hồ sơ.
  • Rút tiền dễ dàng, thuận tiện chỉ bằng cách đem thẻ đến ATM.

Nhược điểm: 

  • Phí rút tiền mặt từ thẻ ATM rất cao. Tùy từng ngân hàng mà phí rút tiền có thể dao động từ 3% – 5% số tiền rút, tối thiểu từ 50,000VND – 110,000VND/lần giao dịch.
  • Lãi suất được bắt đầu tính từ ngày rút tiền thành công cho tới ngày thanh toán đầy đủ gốc và lãi. Khách hàng sẽ không được miễn phí 45 ngày như những giao dịch cà thẻ hay thanh toán online khác. Lãi suất thường dao động từ 20% – 30%/năm.
  • Không được rút hết hạn mức trong thẻ: tùy quy định của ngân hàng, khách hàng chỉ có thể sử dụng 50% – 70% trong hạn mức.

Như vậy, khi rút tiền thẻ tín dụng, khách hàng cần biết rõ chi phí phải bỏ ra cho khoản vay này. Với lãi suất cao phải bỏ ra, rút tiền thẻ tín dụng không phải là phương án tối ưu nếu như khách hàng có thể cà thẻ thanh toán hoặc sử dụng thẻ ghi nợ.

Sau khi rút tiền mặt, lãi suất cao sẽ làm dư nợ trong thẻ tín dụng mỗi ngày một lớn. Nếu khoản vay này không được thanh toán đúng hạn, khách hàng sẽ chịu thêm gánh nặng tài chính khi bị áp dụng lãi suất quá hạn, phạt phí chậm trả. Mức phạt có thể dao động từ 3% – 6% trên số tiền chậm thanh toán.

Đồng thời, khoản chi tiêu quá hạn sẽ trở thành nợ xấu và bị Trung tâm thông tin tín dụng (CIC)  ghi nhận lên hệ thống. Lịch sử nợ xấu sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội vay vốn của khách hàng ở tất cả các ngân hàng hay tổ chức tài chính hợp pháp về sau.

Cách thay thế rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng

Nếu lo ngại về những nhược điểm khi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng nhưng vẫn cần chi tiêu, khách hàng có thể có thể tham khảo những cách dưới đây.

Trong trường hợp nhu cầu rút tiền mặt xuất phát từ nhu cầu chi tiêu thông thường

Trường hợp này, trước hết khách hàng cần quản lý tài chính cá nhân hợp lý. Vào đầu tháng, khách hàng có thể lên kế hoạch phân chia nguồn tài chính cho các mục: khoản tiền tiết kiệm, khoản tiền đầu tư và khoản chi tiêu. 

Đối với khoản tiết kiệm, khách hàng có thể mở quỹ tiết kiệm tự động hay mở tài khoản tiết kiệm từ ngân hàng. Bằng khoản dự phòng này, người dùng sẽ được chủ động sử dụng khi cần tiền khẩn cấp, mà không phải vay gấp bằng cách rút tiền từ thẻ tín dụng.

Đối với khoản tiền đầu tư, đây là khoản có tính thanh khoản thấp, khó để lấy ra sử dụng khi có nhu cầu so với hai khoản còn lại. Do đó, khách hàng không nên ỷ lại vào khoản này khi có nhu cầu tiêu dùng.

Đối với khoản chi tiêu, khách hàng cần ước tính nhu cầu trong tháng, trong đó khoản nào bắt buộc phải sử dụng tiền mặt, khoản nào có thể sử dụng thẻ. 

Trong khoản chi tiêu có thể sử dụng thẻ, khách hàng nên ưu tiên dùng thẻ tín dụng, song cần lưu ý kiểm soát số dư nợ so với khả năng thanh toán để có chi tiêu hợp lý. Với khoản tiền mặt cần rút, khách hàng nên ưu tiên sử dụng thẻ ghi nợ.

Đối với việc cần tiền mặt xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng lớn có trong kế hoạch

Thay vì rút tiền từ thẻ tín dụng, khách hàng có thể tìm hiểu những dịch vụ cho vay tiêu dùng dành cho khách hàng cá nhân của ngân hàng. Ngân hàng sẽ thẩm định tín dụng, xem xét những yếu tố như: uy tín, năng lực, nguồn vốn, tài sản đảm bảo (nếu có)… của người vay để cấp mức tín dụng phù hợp.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể xem xét đến việc mua sắm trả góp qua dịch vụ liên kết giữa các trung tâm mua sắm và tổ chức tín dụng.

Bằng những cách này, khách hàng có thể được cấp tín dụng để đáp ứng nhu cầu với mức lãi suất hợp lý, trong khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm.

Các loại hình rút tiền mặt qua thẻ tín dụng không được phép

Ngân hàng nhà nước đã ra chỉ thị số 02 (ngày 07/01/2021) nhằm tăng cường công tác phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng. Đối với hình thức rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, những hình thức sau đây không được phép:

  • Giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ: rút tiền mặt nhưng không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Một số hình thức vi phạm phát sinh từ hình thức này: 
  • Dịch vụ đảo nợ thẻ: công ty dịch vụ nộp tiền vào tài khoản để ngân hàng cắt tiền khi đến hạn. Sau khi thẻ tín dụng được cấp lại hạn mức, công ty này cà thẻ để lấy lại khoản vay và thu phí. Ngoài vi phạm pháp luật, hình thức này còn làm thông tin của khách hàng bị lộ.
  • Rút tiền “khống” bằng cách cà thẻ qua POS tại các cửa hàng nhưng không mua hàng. Cửa hàng đưa tiền mặt cho khách hàng và thu thêm phí rút tiền. Hiện nay, các ngân hàng đẩy mạnh việc rà soát những giao dịch đáng ngờ, xác minh thông tin chủ thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ để chấm dứt hành vi vi phạm trên. 
  • Sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để chuyển tiền vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước của khách hàng hoặc bên thứ ba (không phải đơn vị chấp nhận thẻ). Cách rút tiền gián tiếp này cũng là hành vi không được phép.

Hành vi vi phạm có thể phạt tới 150,000,000vnđ. Khi phát hiện có dấu hiện gian lận, ngân hàng có thể khóa thẻ ngay lập tức.

Khi nào nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng?

Có thể thấy rút tiền mặt từ thẻ tín dụng sinh ra chi phí rất lớn. Hơn nữa, khách hàng vẫn có nhiều lựa chọn khác để thay thế hình thức này. 

Do đó, khách hàng chỉ nên sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, khi không có nhiều sự lựa chọn. Trường hợp này, khách hàng cần chắc chắn mình biết về quy định và kiểm soát được lãi suất phát sinh. Khách hàng cũng cần lưu ý ưu tiên thanh toán khoản vay càng sớm càng tốt, tránh phát sinh tiền lãi quá nhiều và để lại lịch sử tín dụng xấu.

Kết luận

Như vậy, rút tiền thẻ tín dụng là một dịch vụ mà chủ thẻ có quyền thực hiện được trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, trước khi tiến hành rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, chủ thẻ cần chắc chắn mình hiểu rõ về quy định dành cho dịch vụ này để đưa ra quyết định phù hợp. Bên cạnh đó, chủ thẻ cần tránh các hình thức rút tiền lừa đảo, trái quy định của pháp luật.

Gợi ý cho bạn

Nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất 2024
Nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào tốt nhất 2024
Thẻ tín dụng ngày nay đã dần trở nên phổ biến với dịch vụ thanh toán trực tiếp thay cho tiền mặt, bạn hoàn toàn có thể thanh thanh toán cho các dịch vụ trực tuyến, trong và ngoài nước.

Bình luận

Bình luận