Thẻ ghi nợ nội địa là gì? Hướng dẫn cách mở thẻ ghi nợ nội địa

Thẻ ghi nợ nợ nội địa là gì? Đây là một câu hỏi phổ biến, vì thuật ngữ “thẻ ghi nợ nội địa” thường xuất hiện trong lúc mở tài khoản hay giao dịch tài chính. Trên thực tế, người ta thường quen gọi thẻ ghi nợ nội địa là thẻ ngân hàng, thẻ ATM

Sự nhầm lẫn trong cách gọi khiến cho thuật ngữ “thẻ ghi nợ nội địa” trở nên xa lạ, mặc dù chiếc thẻ này đã hết sức quen thuộc. 

Vậy bản chất thẻ ghi nợ là nội địa là thẻ gì? Bài viết dưới đây sẽ mang lại cho bạn những thông tin chi tiết về thẻ ghi nợ nội địa cũng như những điều cần lưu ý khi sử dụng.

Thẻ ghi nợ nội địa là gì?

Thẻ ghi nợ nội địa (tiếng Anh là domestic debit card) là loại thẻ kết nối với tài khoản tiền gửi thanh toán, được mở tại các tổ chức phát hành thẻ ở Việt Nam, cho phép khách hàng thực hiện giao dịch trong nước với hạn mức bằng số tiền hiện có trong tài khoản.

Như vậy, thẻ ghi nợ nội địa bao gồm 2 đặc tính:

  • Thứ nhất, là thẻ ghi nợ (debit card): có đặc điểm “có bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu”, cho phép khách hàng giao dịch trong phạm vi sổ tiền của tài khoản thanh toán và hạn mức thấu chi (nếu có).
  • Thứ hai, là thẻ nội địa (domestic): có đặc điểm là chỉ sử dụng trong phạm vi trong nước.

Về mức phí thẻ ghi nợ nội địa, theo thông tư 35/2012/TT-NHNN, biểu phí được quy định như sau (mức phí chưa bao gồm thuế VAT)  :

  • Phí phát hành thẻ: từ 0 đồng – 100.000 đồng/thẻ
  • Phí thường niên: từ 0 đồng – 60.000 đồng/thẻ/năm
  • Phí giao dịch ATM, bao gồm:
  • Vấn tin tài khoản tại ATM (không in chứng từ): nội mạng 0 đồng/giao dịch; ngoại mạng: 0 đồng – 500 đồng/giao dịch.
  • In sao kê tài khoản hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản tại ATM: nội mạng: từ 100 đồng – 500 đồng/giao dịch; ngoại mạng: từ 300 đồng – 800 đồng/giao dịch.
  • Rút tiền mặt: nội mạng: từ 0 đồng – 3.000 đồng/giao dịch; ngoại mạng: từ 0 đồng – 3.000 đồng/giao dịch.
  • Chuyển khoản: từ 0 đồng – 15.000 đồng/giao dịch.
  • Giao dịch khác tại ATM: theo biểu phí riêng của từng tổ chức phát hành thẻ.
  • Phí dịch vụ thẻ khác: theo biểu phí riêng của từng của tổ chức phát hành thẻ.

Căn cứ theo đó, mỗi ngân hàng sẽ có quy định riêng về biểu phí dịch vụ của mình, thông tin này được công bố trên website chính thức của mỗi ngân hàng.

Hướng dẫn sử dụng thẻ ghi nợ nội địa

Khi sở hữu thẻ ghi nợ nội địa, khách hàng có thể sử dụng những dịch vụ sau:

  • Tại ATM của ngân hàng phát hành và ATM khác có logo NAPAS (khi thẻ có liên kết NAPAS): Giao dịch rút tiền mặt, vấn tin tài khoản, in sao kê tài khoản, chuyển khoản tới tài khoản khác, thanh toán hóa đơn cho các dịch vụ tiền điện, học phí, viễn thông, bảo hiểm, vé máy bay…
  • Tại các điểm chấp nhận thẻ (POS): Thanh toán tại mạng lưới POS của ngân hàng phát hành và các POS có logo Napas trên toàn quốc (trường hợp ngân hàng phát hành thẻ có liên kết NAPAS)
  • Trên kênh internet và các ứng dụng di động: Mua hàng trực tuyến tại nhiều website, thanh toán qua các ứng dụng di động (như Samsung Pay, MOCA, MOMO…)
  • Trên trình duyệt web/ ứng dụng di động của ngân hàng: Giao dịch chuyển khoản trực tuyến, gửi tiết kiệm online, truy vấn thông tin thẻ trực tuyến.

Cách mở thẻ ghi nợ nội địa

Điều kiện và thủ tục mở thẻ ghi nợ nội địa

  • Điều kiện mở thẻ ghi nợ nội địa như sau:
  • Là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Pháp luật Việt Nam. (Một số ngân hàng quy định độ tuổi từ 15 tuổi trở lên, không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Pháp luật)
  • Trường hợp đối tượng phát hành thẻ là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam (một số ngân hàng quy định thời gian cư trú từ 12 tháng trở lên).
  • Thủ tục mở thẻ nội địa: thủ tục khá đơn giản, khách hàng chỉ cần có: 
  • Hồ sơ đề nghị phát hành thẻ ghi nợ (theo mẫu ngân hàng).
  • CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn.

Cách làm thẻ ghi nợ nội địa

Hiện nay, có 2 cách làm thẻ ghi nợ nội địa như sau:

  • Đến trực tiếp ngân hàng:
  • Khách hàng xuất trình cho nhân viên ngân hàng CMND/CCCD/Hộ chiếu.
  • Khách hàng điền thông tin vào hồ sơ đăng ký (hoặc ngân hàng in hồ sơ theo thông tin trên CMND/CCCD/Hộ chiếu của khách hàng); khách hàng kiểm tra nội dung hồ sơ và ký tên.
  • Nộp lệ phí (nếu có) và đợi nhận thẻ (hoặc được hẹn lịch nhận thẻ).
  • Sau khi nhận thẻ, khách hàng kiểm tra thông tin trên thẻ, đến ATM kích hoạt và đổi mật khẩu.
  • Đăng ký thẻ trực tuyến: Hiện nay, một số ngân hàng (như Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, Techcombank…và nhiều ngân hàng khác) đã cung cấp dịch vụ mở thẻ ghi nợ nội địa trực tuyến. Khách hàng chỉ cần ở tại nhà và thực hiện các bước đơn giản sau để mở thẻ:
  • Khách hàng truy cập vào website chính thức của ngân hàng hoặc tải ứng dụng ngân hàng
  • Vào mục Đăng ký thẻ ngân hàng trực tuyến, chọn loại thẻ ghi nợ muốn đăng ký (lưu ý là mỗi ngân hàng sẽ cung ứng nhiều dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa khác nhau, khách hàng cần tìm hiểu hoặc nhờ nhân viên tư vấn qua hotline.)
  • Điền thông tin và làm theo hướng dẫn của ngân hàng. Sau khi gửi hồ sơ, ngân hàng sẽ liên hệ để xác nhận thông tin và hoàn thành thủ tục mở thẻ.

Những lưu ý khi mở và sử dụng thẻ ghi nợ nội địa

Khách hàng cần lưu ý những điểm sau trong quá trình mở và sử dụng thẻ ghi nợ nội địa:

  • Khi nhận thẻ, khách hàng cần kiểm tra để đảm bảo thông tin trên thẻ đúng với các thông tin đã đăng ký.
  • Sau khi nhận thẻ, cần đổi ngay mật khẩu (mã PIN) tại máy ATM để kích hoạt thẻ. Khách hàng cần lưu ý không nên đặt mật khẩu có liên quan đến các thông tin cá nhân như: sinh nhật, số điện thoại, biển số xe… Mã PIN nên được thay đổi thường xuyên. Lưu ý nếu nhập sai PIN 3 lần liên tiếp, thẻ sẽ bị khóa để đảm bảo an toàn.
  • Không tiết lộ thông tin trên thẻ, không đưa thẻ cho bất cứ người nào khác trừ những nhân viên của ngân hàng hoặc các nhân viên thu ngân tại POS khi thanh toán .
  • Khi giao dịch tại ATM: Quan sát kỹ máy trước khi thực hiện giao dịch, nếu có dấu hiệu bất thường, ngừng giao dịch và báo với ngân hàng. Khách hàng cần đợi máy trả lại thẻ và chi tiền trước khi rời khỏi, không nên bỏ đi ngay nếu chưa nhận được tiền hay thẻ, tránh trường hợp ATM hoạt động chậm.
  • Khi thanh toán tại các đơn vị chấp nhận thẻ: chỉ ký nhận thanh toán sau khi kiểm tra tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn. Đảm bảo thủ tục thanh toán bằng thẻ phải được tiến hành công khai, khách hàng phải nhận lại thẻ ngay sau khi thực hiện xong giao dịch.
  • Khi thanh toán trên Internet: Chỉ cung cấp thông tin thẻ để giao dịch tại các website/ứng dụng có uy tín, không nên thanh toán online bằng máy tính công cộng. Trước khi đồng ý thanh toán, cần đọc kỹ các điều khoản của đơn vị và nhớ đăng xuất khỏi website sau khi kết thúc giao dịch.

Một số ngân hàng phát hành thẻ ghi nợ nội địa uy tín hiện nay

Theo ngân hàng nhà nước, tính đến 30/06/2021, nước ta có 31 ngân hàng TMCP,  9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 4 ngân hàng thương mại nhà nước, 1 ngân hàng hợp tác xã, 2 ngân hàng chính sách và 2 ngân hàng liên doanh.

Hầu hết các ngân hàng đều có chức năng phát hành thẻ ghi nợ nội địa (riêng một vài ngân hàng nước ngoài chỉ phát hành thẻ ghi nợ VISA).

Đánh giá về mức độ uy tín của các ngân hàng, ngày 13/07/2021, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố danh sách 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín. Danh sách này gồm các ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, MB, ACB, VPbank, BIDV, TPBank, HDBank, Agribank.

Sự đánh giá này dựa trên các tiêu chí: Năng lực tài chính, uy tín truyền thông và khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 6 năm 2021.

Kết luận

Như vậy, với thẻ ghi nợ nội địa, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển khoản, rút tiền một cách tiện lợi.

Với thủ tục đơn giản, mỗi người đều có thể dễ dàng sở hữu chiếc thẻ ghi nợ nội địa, song đừng quên tìm hiểu thông tin dịch vụ thẻ của ngân hàng sắp mở và lưu ý những điều khi sử dụng thẻ như trên bài viết đã đề cập nhé.

Gợi ý cho bạn

Bình luận

Bình luận